Bài chòi Bình Định – Hành trình trở thành di sản thế giới

Bài chòi Bình Định

Tối 5-5, tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức lễ đón bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vinh danh bài chòi – di sản văn hóa nhân loại - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: DUY THANH

Thay mặt UNESCO, ông  Michael Croft – trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam – đã trao bằng vinh danh của tổ chức này cho ông Nguyễn Ngọc Thiện – bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng lãnh đạo 9 tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa), là quê hương của nghệ thuật bài chòi.

Thay mặt lãnh đạo 9 tỉnh miền Trung, ông Hồ Quốc Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – nêu bật sự độc đáo của nghệ thuật bài chòi đặc trưng của Trung bộ.

Vinh danh bài chòi – di sản văn hóa nhân loại - Ảnh 2.

Ông Michael Croft – trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam – trao bằng vinh danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam cho ông Nguyễn Ngọc Thiện – bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch – Ảnh: DUY THANH

Theo ông Dũng, việc UNESCO ngày 7-12-2017 công nhận, ghi danh Nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định vai trò của bài chòi trong đời sống tinh thần của cộng đồng, tôn trọng giá trị sáng tạo nghệ thuật của vùng đất Trung bộ trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Thiện công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam giai đoạn 2018-2023.

Theo ông Thiện, đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Nghệ thuật bài chòi chứa đựng cả âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và gắn kết cộng đồng.

Thay mặt UNESCO, ông Michael Croft nhận xét rằng bài chòi là tổng hòa nhiều yếu tố, mang đến cho người thưởng thức nhiều niềm vui và tiếng cười.

Ông tin rằng chính những yếu tố đa dạng này đã đưa bài chòi thành “một ẩn dụ tuyệt vời cho tinh thần văn hóa đậm nét bản sắc của Việt Nam”.

Ông Croft bày tỏ mong muốn di sản văn hóa đặc sắc này tiếp tục được gìn giữ, thực hành và trao truyền cho các thế hệ tương lai.

“Việc ghi danh bài chòi vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại là ghi nhận hoàn toàn xứng đáng” – ông nói.

Gìn giữ tài sản chung của nhân loại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui được đến dự buổi lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh bài chòi Trung bộ Việt Nam bằng hai câu: “Gió xuân phảng phất cành tre/ Bà con cô bác cùng lắng nghe bài chòi”.

Vinh danh bài chòi – di sản văn hóa nhân loại - Ảnh 3.

Diễn một ván đánh bài chòi cổ tại buổi lễ đón nhận bằng UNESCO – Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Thủ tướng nhấn mạnh rằng với việc bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được UNESCO công nhận đã đưa nước ta xếp hạng thứ 8/177 quốc gia thành viên của Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

“Điều này có ý nghĩa rất lớn, góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt quê hương, trao truyền tri thức và gởi gắm tương lai” – thủ tướng nói.

Theo thủ tướng, thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, cộng đồng thế giới tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc Việt Nam vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại.

Thủ tướng nhắc nhở rằng đi cùng với tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật bài chòi trước quốc tế vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà trở thành tài sản chung của nhân loại.

“Đây chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta. Qua đó góp phần giới thiệu cho bạn bè quốc tế phẩm chất cần cù, sáng tạo và lòng nhân ái của con người miền Trung VN, góp phần làm cho khu vực này phát triển du lịch mạnh hơn trong tương lai”.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam long trọng cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận.

Đảm bảo rằng cái gì thuộc về cộng đồng phải trả về cho cộng đồng và chia sẻ bài học thành công của các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng trên thế giới”.

Thủ tướng kêu gọi: Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để nền văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở, để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện, tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật chủ đề “Âm vang nghệ thuật bài chòi” với 3 chương “Về nơi nguồn cội bài chòi”, “Bài chòi, hồn cốt văn hóa miền Trung” và “Ngàn năm phách nhịp bài chòi còn vang” với sự tham gia của 400 diễn viên, nghệ nhân từ 9 tỉnh Trung bộ.

Vinh danh bài chòi – di sản văn hóa nhân loại - Ảnh 5.

Màn trình diễn hội thi đánh bài chòi – Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Vinh danh bài chòi – di sản văn hóa nhân loại - Ảnh 6.

Dàn nhạc và các quân bài chòi trong chương trình nghệ thuật – Ảnh: TRẦN VĂN

Vinh danh bài chòi – di sản văn hóa nhân loại - Ảnh 7.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Âm vang nghệ thuật bài chòi” – Ảnh: TRẦN VĂN

Theo TTO (Duy Thanh)