Suối khoáng Hội Vân – Bình Định

Suối khoáng Hội Vân

Suối khoáng Hội Vân

Đi về phía nam, đến địa phận thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát có một suối nước nóng đã nổi tiếng từ lâu. Vào nửa sau thế kỷ 18, khi ghi chép về xứ sở Đàng Trong, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng viết: “Phường Đống Đa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (vào năm Minh Mệnh 13 tức năm 1832, huyện Phù Ly chia thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát – TG) có một cái đầm tròn. đầm ngày ngày thường sôi, nước trong suốt tới đáy, nóng không thể gần được. Lúc tạnh thì bốc khói, lúc mưa khói càng bốc lên nghi ngút. Trâu, dê ngã xuống cũng như bị luộc. Trong đầm cũng có cá sống được. Tôm, cua đều có sắc đỏ”. Là hiện tượng thiên nhiên đặc biệt nên các sách địa lí chí đều nhắc đến suối nước nóng này. Sách Đại nam nhất thống chí, 9 quyển nói về Bình Định, ở mục khe nước nóng, chép rằng: “Khe nước nóng ở trong rừng về phía nam huyện Phù Cát, bề dọc 2 trượng (Khoảng 8m-TG) bề ngang chừng một trượng, lởm chởm nhiều đá, nước thường bốc hơi như nước sôi, chảy ra hơn 10 trượng khí nóng mới bớt dần. Đến thôn Tân Hòa thì hợp với chằm nước đục mà cùng chảy vào sông Nha Đoài”.  Đấy là mô tả của sử cũ. Hiện trạng có thể thấy suối phát nguyên từ vùng núi thấp phía bắc, đến thôn Hội Vân nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen kẽ nhau. Từ đó mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói tỏa nghi ngút giống như một chảo nước nóng đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc. Chếch xa xa về phái Đông -Bắc là dãy núi Bà hùng vĩ, vào những ngày lạnh trời, nhất là vào những lúc sớm mai, hơi nước bốc lên tụ lại thành những làn khói mây mờ mờ làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo. Khi trời nắng nóng, sương mù tan biến trả lại cho mặt nước một khoản không trong vắt, có thể nhìn thấu những vòi nước phun lên từ đáy, giống như những con rồng đang giỡn đùa giữa dòng nước. Quanh miệng hồ là những dải cát dài trắng mịn làm thành một bãi phơi nắng lí tưởng.

Suối khoáng Hội Vân

Là một danh thắng du khách có thể đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp, nghỉ ngơi giải trí, Hội Vân còn nổi tiếng và hấp dẫn khách đến từ mọi miền nhờ nguồn nước khoáng thiên nhiên giàu khả năng trị liệu đối với nhiều loại bệnh khác nhau. Linh thiêng hóa khả năng chữa bệnh của nước suối, dân địa phương đã lưu truyền một sự tích kể rằng, xưa kia, khi Bình Định còn là quốc đô của Champa, trong hoàng tộc có một công nương sắc đẹp mê hồn nhưng bỗng mắc một chứng bệnh kì quái, không một danh y nào có thể chữa nổi. Da dẻ nàng tự dưng nổi mụn xù xì, khiến nàng trở nên xấu xí và vô cùng khổ sở vì ngứa ngáy. Nàng xấu hổ phải suốt ngày dấu mình trong cung cấm, suốt ngày rầu rĩ. Buồn chán vì bệnh tình, công nương héo hon gầy mòn. Phụ hoàng dẫu đầy kho vàng bạc châu báu mà vẫn vô phương cứu giúp.

Rồi đến một ngày, nhân tổ chức một cuộc đi săn trong rừng, vị Quốc vương nọ đã cho con gái đi cùng những mong giúp nàng khuây khỏa. Khi đến vùng này thấy trước mặt có một áng mây trắng tụ lại khác thường, quốc vương cho quân lính đi trước dò đường thì thấy một suối nước nóng. Công nương đã xuống tắm ở đây. Và kì lạ thay nàng tự nhiên thấy hết ngứa ngáy, trong người cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nàng xin với vua cha cho hạ trại, nán lại bên suối một thời gian để được ngày ngày ngâm mình trong dòng nước nóng. Thế rồi, ngày qua ngày bệnh tình của công nương qua khỏi lúc nào không biết. Mọi người cho rằng đó là suối nước mà thần tiên đã ban cho. Chính vì vậy con suối này có tên gọi là suối Tiên.

Suối khoáng Hội Vân

Đó là truyền thuyết. Còn trên thực tế, chẳng biết tự bao giờ, tiếng đồn về sự linh nghiệm trong chữa trị bệnh tại của suối nước Hội Vân đã lan truyền đi khắp cả nước. Người ta kéo nhau đến Hội Vân như đi trẩy hội, không chỉ những người có bệnh mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng muốn đến tận nới để mục kích cảnh thần tiên và tắm thử nước suối Tiên. Họ còn múc nước đem về làm quà cho bà con, thân hữu.

Khả năng chữa trị một số bệnh của suối khoáng Hội Vân, thực ra cũng không phải là điều gì huyền bí. Từ thời Pháp thuộc, các nhà chuyên môn đã tới đây nghiên cứu, khảo sát. Trong vòng mấy chục năm qua, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc khảo nghiệm và đi tới những kết luận khoa học về khả năng trị liệu của nước suối Hội Vận.

Suối khoáng Hội Vân

Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1957 đã xuất hiện nhiều bài báo của các tác giả Madrole, D.Sallet, Flendel và H. Fontaine công bố các kết quả nghiên cứu về thành phần của nước khoáng. Năm 1965 công việc này lại được tiếp tục bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ. Từ sau năm 1975 các chuyên gia Bộ y tế cùng với chuyên gia quốc tế đã tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống và đưa ra những đánh giá khoa học về nguồn nước tự nhiên này. Đó là loại nước khoáng có nhiệt độ dao động từ 70-800C, vô trùng, chứa khoảng 20 chất khoáng có ích với những nồng độ thích hợp có tác dụng tốt cho việc chữa bệnh. Từ năm 1978 một nhà điều dưỡng đã được xây dựng và trong tương lai không xa tỉnh Bình Định sẽ nâng cấp nhà điều dưỡng này thành một trung tâm điều dưỡng có tầm cỡ quốc gia với quy mô 300 giường bệnh nội trú. Chắc chắn với cảnh trí thiên nhiên kì thú và nguồn “thuốc tiên” thiên nhiên vô tận này, thắng cảnh Hội Vân sẽ hấp dẫn thêm vô vàn du khách tới thăm.

Theo:http://www.binhdinh.gov.vn