Tháp Bánh Ít – Nét Đẹp Kiến Trúc Chăm Ít Người Biết Ở Bình Định

Tháp Bánh Ít  Bình Định – Nhắc đến quần thể kiến trúc Chăm còn sót lại khắp Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Hay đền tháp tại Ninh Thuận mà quên mất trên khúc ruột miền Trung còn có Bình Định. Nơi ẩn giấu dòng thời gian đã qua của một đất nước Cham-pa hùng mạnh. Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp lâu đời nhất và là điểm dừng chân mà khách du lịch Bình Định nhất định không thể bỏ qua.

Ngọn đồi nhỏ giữa non cao

Hàng cây xang bóng lao xao gió chiều

Dù không phải đẹp mỹ miều

Tháp xưa vẫn khiến lòng người đắm say.

Tháp Bánh Ít nằm tại thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Toàn bộ quần thể có tất cả 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải cách mực nước biển chỉ chừng 100 mét. Nhìn từ xa, cụm tháp trông giống như bánh ít – một loại đặc sản ở Bình Định. Ấy thế nên người dân địa phương gọi nơi đây là tháp Bánh Ít. Ngoài ra, tháp còn có tên gọi khác là tháp Bạc. Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Mới đây, một nhóm tác giả người Anh đã đưa tháp Bánh Ít vào 1001 công trình kiến trúc mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần trong đời. Thật đáng tự hào đúng không nào?

Người Bình Định có thể tự hào với du khách rằng, tháp Bánh Ít là di tích Chăm xưa cổ có lối kiến trúc đa dạng và phong phú nhất, mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật Cham-pa nhưng vẫn có nét gì đó rất riêng của mảnh đất võ. Tháp Bánh Ít nằm gần kề Quốc lộ 1A nên du khách hoàn toàn dễ dàng để di chuyển đến thăm trong hành trình du lịch Bình Định của mình.

Cũng như hầu hết các ngôi tháp Chăm khác ở nước ta, tháp Bánh Ít cũng có hướng chính quay về phía Đông. Vì thế nên khi ghé thăm, du khách có thể men theo con đường Đông Bắc từ phía cổng để đến ngọn đồi có quần thể tháp, chắc chắn sẽ có nhiều điều bất ngờ và thú vị đang chờ đón phía trước.

Tháp chính có kích thước lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm trên ngọn đồi, xung quanh là 3 tháp nhỏ, tạo thành một thế giới khác lạ mà lỡ lạc chân bước vào, du khách như có cảm tưởng như đang quay ngược thời gian để hòa mình vào xứ sở Cham-pa đầy bí ẩn. Tháp chính cao chừng 20 mét, riêng phần cổng đi vào nhô ra bên ngoài thêm 2 mét, được trang trí khá công phu và đẹp mắt. Dù là những cột rãng trên bức tường hay mái vòm trên cao thì bàn tay của những nghệ nhân vẫn cố gắng giữ cho dáng vẻ của tháp mềm mại, thanh thoát chứ không hề cứng nhắc. Các bức phù điêu của tháp chính đều được tạc ở tư thế đang nhảy múa vô cùng sống động, thu hút.

Cạnh tháp chính là tháp yên ngựa, có chiều cao khoảng 12 mét, rộng 5 mét. Vì mái tháp cong như yên ngựa nên người dân cũng vì thế mà thành quen, gọi thành tên dân dã tự lúc nào chẳng biết. Điểm đặc biệt ở tháp yên ngựa chính là phần đế nhô ra so với phần thân, xung quanh được trang trí bằng nhiều hình tượng đang giơ tay lên đồng lòng cùng sức nâng tháp. Phải chăng đây là ngụ ý của cha ông? “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Nhìn về hướng Nam là ngọn tháp nhỏ hơn và cũng nằm thấp hơn tháp chính tầm 10 mét. Tháp có tận 4 cửa theo bốn hướng khác nhau để lấy linh khí của đất trời ở mọi thời điểm. Mái tháp được chạm trổ khá kỳ công và nhỏ dần về phía trên, nhìn từ xa, mái tháp tựa như những quả bầu nậm màu gạch cũ đã phai dần theo năm tháng.

Nằm ở vị trí thấp nhất là tháp cổng cách tháp chính 100 mét. Tháp cổng được trang trí khá đơn giản nhưng lại trông vô cùng khỏe khoắn, vững chãi. Vòm cổng có hình tựa như mũi lao đang hướng thẳng lên trời. Tháp có hai cửa nằm cùng một trục với tháp chính, hướng Đông – Tây để tạo nên sự hòa hợp về mặt kiến trúc.

Dù không phải là quần thể tháp đồ sộ nhất, nổi tiếng nhất nhưng ai đã từng du lịch Bình Định và ghé thăm tháp Bánh Ít đều ngỡ ngàng trước sự phong phú trong phong cách thiết kế. Mỗi ngôi tháp là một kiểu kiến trúc riêng biệt mà phải tự tìm tòi, người lữ hành mới phát hiện và ghi nhớ hết những điều bí ẩn được giấy kỹ trên từng mảnh tường, phiến đá.

Trong tháp có đặt bức tượng của thần Siva nổi tiếng bằng đá. Điểm sáng trong nghệ thuật chế tác xa xưa. Hình ảnh thần Siva ngồi trên tòa sen, lưng tựa vào phiến đá có dạng hình cung sẽ in mãi trong tâm trí của du khách. Dù tượng đã có nhiều phần bị vỡ, mất song giá trị vẫn vẹn nguyên như lúc đầu. Bên cạnh đó là rất nhiều hiện vật quý để du khách tham quan, khám phá.

Không gian mát lành của cỏ cây cùng nét đẹp cổ kính ở tháp Bánh Ít chắc hẳn sẽ khiến cho du khách cảm nhận được sự an nhiên trong tâm hồn. Để mọi vướng bận, muộn phiền đều được trôi vào hư vô. Nếu đã quá quen thuộc với các cụm di tích Chăm khác thì tháp Bánh Ít sẽ là luồng gió mới giúp cho chuyến hành trình của du khách thêm nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Đừng bở lỡ nét đẹp kiến trúc Chăm đa dạng, phong phú ở Bình Định ngay trong năm Bính Thân này nhé!

5/5 - (7 votes)