Trại phong Quy Hòa Quy Nhơn – Về với bình yên

Trại phong Quy Hòa Quy Nhơn

Trại phong Quy Hòa Quy Nhơn – “Âm thầm nghe trăng vỡ”

Nhắc đến Quy Hòa, người ta nghĩ ngay đến thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trong những ngày cuối đời, ông đã tìm được chốn nương náu cho mình bên bờ biển bình yên. Quy Hòa, nơi đây hiện vẫn là trại phong và là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với miền đất võ Bình Định.

Trại phong Quy Hòa nằm dưới một thung lũng yên bình bên bờ biển. Từ Quy Nhơn – Bình Định hoặc Sông Cầu – Phú Yên, du khách men theo con đường dọc bờ biển tuyệt đẹp, đó là Quốc lộ 1D đi qua những bãi biển cát trắng mịn màng và những ghềnh đá cheo leo, ngoạn mục. Trại phong Quy Hòa nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 3km. Đứng trên đường nhìn xuống, trại phong Quy Hòa như một ngôi làng xinh xắn. Mới nhìn vào, ai cũng cảm nhận được sự bình yên và nên thơ của vùng đất này. Nhiều người bảo, đây là ngôi làng Quy Hòa thay cho Bệnh viện phong – da liễu Quy Hòa.

Trại phong Quy Hòa Quy Nhơn

Quy Hòa có diện tích khoảng 60ha, nằm trong thung lũng ba bề là núi và cây xanh bao phủ, mặt quay ra bờ biển Quy Nhơn yên bình sóng vỗ. Nhiều tài liệu ghi rằng: vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự bình yên vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài.

Đi sâu vào Quy Hòa du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những công trình kiến trúc hiếm nơi nào có được của hơn 80 quốc gia trên thế giới xây tặng, mỗi ngôi nhà có một kiểu kiến trúc độc đáo riêng. Trên con đường đầy hoa giấy đỏ hồng phủ trùm trên những tán lá xanh sẽ đưa du khách ghé thăm Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử, nơi mà nhà thơ đã nằm điều trị cho đến hết quãng đời ngắn ngủi của mình. Bên cạnh đó du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những di vật, các công trình nghiên cứu về Hàn Mặc Tử. Trước đây, Quy Hòa được xem như là “thế giới đau khổ” thế giới an bài của những “con hủi” bất hạnh, sống tách biệt với xã hội bên ngoài, nhưng giờ đây Quy Hòa đã trở thành một điểm tham quan du lịch đầy hấp dẫn của Bình Định. Dạo bước trên con đường xanh mát bóng cây, từ khu hành chính ra biển du khách sẽ bắt gặp ngay vườn tượng danh y với gần 30 trụ tượng cao khoảng 2m nằm trong rừng phi lao. Trên mỗi trụ là tượng bán thân của một danh nhân y học nổi tiếng từ cổ đến kim của thế giới và Việt Nam như: Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, A.Yersin, L. Pasteur, Tôn Thất Tùng…

Trại phong Quy Hòa Quy Nhơn
Trại phong Quy Hòa Quy Nhơn

Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư. Mấy mươi năm trôi qua, Quy Hòa luôn là một trong những bệnh viện nổi tiếng, độc đáo và là một trong những thắng cảnh đẹp của nước ta.

Ngày nay, du khách đến thăm Quy Hòa sẽ có cảm nhận đây là chốn yên bình và thơ mộng. Sau khi xuống hết đoạn dốc thoai thoải là một vùng đất bằng phẳng với những xóm nhà chập chùng màu xanh của cây trái. Người dân ở đây đa số là những bệnh nhân ngày xưa đến điều trị bệnh và định cư dài lâu. Bên cạnh đó, còn có một số người từ trung tâm thành phố Quy Nhơn vì quá yêu thích khung cảnh yên bình của Quy Hòa mà vào đây mua đất cất nhà, trồng cây sinh sống.

Biển Quy Hòa

Một nét đẹp khá ấn tượng khác của Quy Hòa đó là những ngôi nhà mang nét kiến trúc cổ kính của Pháp nằm ẩn mình thấp thoáng dưới những hàng cây xanh trầm mặc. Nhiều du khách đến đây đều có một cảm nhận chung rằng, dường như những con đường, những hàng cây ở Quy Hòa đều mang một sắc thái trầm mặc, một nỗi buồn man mác.

Quy Hòa như một bức tranh thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, sự hòa quyện của núi non và biển cả mang lại sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên. Biển Quy Hòa sớm mai như một nàng tiên nữ e ấp dịu dàng sẽ mang cái cảm giác sảng khoái, yên bình đến lạ cho mọi người; du khách có thể tha hồ vẫy vùng trên sóng nước, có thể đi thuyền sang các hòn đảo ngoài khơi Quy Hòa với khoảng cách gần 30 phút thuyền máy, du khách sẽ được sở hữu và khám phá nhiều điều thú vị. Như một dấu chấm lặng giữa biển và phố, Quy Hòa ngày nay đã có rất nhiều thay đổi và trở thành điểm đến của rất nhiều khách tham quan du lịch.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn – Bình Định A-Z

5/5 - (1 bình chọn)