Sống mãi VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH

Từ thế kỷ XV, những dòng người tiến về phía Nam khai hoang, lập ấp đã bắt đầu tiếp nhận và thích nghi với điều kiện sống cùng nền văn hoá địa phương, tạo nên cốt cách của con người vùng đất mới Bình Định: cần cù, giản dị, mộc mạc, nhân ái, kiên cường, dũng cảm,…. Từ đó, cái tên Bình Định luôn gợi trong tâm trí mỗi người dân đất Việt niềm cảm tình sâu sắc về một vùng đất thượng võ lâu đời, với hồn thiêng sông núi đã hun đúc nên khí chất những vị anh hùng bất khuất, trường tồn với bao chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm vào trang sử vàng dân tộc.

Thời kỳ đầu, võ Cổ truyền Bình Định chỉ ở dạng sơ khai là các thao tác lao động cơ bản và sử dụng công cụ lao động hàng ngày làm vũ khí với mục đích chính là kiếm sống và tự vệ. Đến thời Tây Sơn, Võ Cổ truyền mới có sự phát triển vượt bậc, được xây dựng thành hệ thống võ học đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ, được nghiên cứu và áp dụng triệt để, sáng tạo trong quân sự, trong chiến đấu và được khuyến khích mở trường dạy võ khắp nơi. Đây là thời kỳ võ Cổ truyền được sử sách ghi nhận là hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất.

Bài đồng diễn võ thuật của các võ sinh Bình Định – ảnh: Ngọc Thạch

Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hoà quyện cao độ giữa các dòng võ, môn phái khác nhau của người bản địa lẫn người từ Bắc Hà vào như: roi Thuận Truyền, quyền An Thái, Tây Sơn Nhạn, Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Tân Sơn Bạch Long, Tây Sơn Thiếu Lâm, Bình Định gia, Bình Võ Đạo… và nhiều bài danh quyền nổi tiếng có xuất xứ từ đất Bình Định như Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Thần đồng quyền, Yến phi quyền (còn được gọi là Én bay thảo pháp)…. đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc làm nên cái tinh tuý nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc. Mặc dù sau đó, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, với nhiều thế lực luôn tìm đủ mọi cách phá hủy, lấn át hòng mong muốn đồng hóa làm méo mó, biến dạng nét tinh hoa của võ thuật cổ truyền nhưng võ Cổ truyền Bình Định vẫn đứng vững và luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Khắp nơi trên mỗi làng quê Bình Định luôn bùng bùng khí chất tinh thần thượng võ bất diệt, các võ sư ngày đêm hoạt động, truyền dạy một cách bí mật trong các chùa, bìa rừng, hang núi… Họ không ngừng sưu tầm, nghiên cứu, viết sách để lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Đặc điểm của Võ cổ truyền Bình Định thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, công và thủ, mạnh và yếu, giữa cái tinh – khí – thần ở bên trong với cái thủ, nhãn, chỉ và thân ở bên ngoài cơ thể. Về võ lý, võ cổ truyền Bình Định vận dụng triệt để học thuyết âm – dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản, phối hợp uyển chuyển cả hai phương diện ngoại công và nội công. Hơn hết, nhân – lễ – nghĩa – trí – tín là tinh thần võ đạo hay còn gọi là cái đạo của người học võ được đề cao trên hết bên cạnh những giá trị đạo đức truyền thống như: tinh thần thượng võ, chống ngoại xâm; uống nước nhớ nguồn; trọng nhân nghĩa… Bởi thế, các võ sư Bình Định không chỉ được biết đến là những người có kiến thức võ học uyên thâm, nổi tiếng là bậc trượng phu mẫu mực mà họ còn là những người rất chỉnh chu, cực kỳ nghiêm khắc trong việc lựa chọn các môn sinh. Chính sự từng trải về cuộc đời và bằng con mắt của một người nhà võ đã giúp họ nhận biết, phán đoán chính xác để chọn lựa ra những cá nhân đủ tài, đức mà truyền dạy trong vô số những người xin theo học võ.

Từ bao đời nay, vùng đất Bình Định được mệnh danh là “cái nôi” của võ Cổ truyền Việt Nam. Nơi đây đã tụ hội và sản sinh ra bao lớp anh hùng, hào kiệt, võ sư, võ sĩ nổi tiếng, được truyền thụ từ đời này sang đời khác, góp phần khẳng định và đánh dấu bước ngoặt lịch sử các quá trình tạo dựng, kế thừa và phát triển dòng võ thuật cổ truyền. Cứ hai năm một lần, người dân Bình Định lại háo hức mong chờ đón tiếp trên 1.500 võ sư, võ sĩ cùng hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế về tham dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, tổ chức vào đầu tháng 8 các năm chẵn. Bên cạnh đó, Bình Định tự hào được vang danh khắp xứ với tên tuổi của các võ sư như: Hồ Sừng (cháu nội võ sư Hồ Ngạnh), Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ, Phạm Thi, Phi Long, Minh Tinh (con võ sư Xã Hào), Kim Ðình, Trần Diễn…và các nhà sư: Hạnh Hòa, Vạn Thanh ở chùa Long phước… Đặc biệt, cuối năm 2012, võ Cổ truyền Bình Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chính thức khẳng định tầm vóc, vị thế của Võ cổ truyền Bình Định trong làng võ thuật Việt Nam.

Đoàn võ thuật đến biểu diễn giao lưu tại các lò võ của Bình Định – ảnh: Ngọc Thạch

Có thể nói, mạch nguồn võ Bình Định như một dòng sông chảy qua nhiều ghềnh thác, khi vơi khi đầy, lúc bằng phẳng lúc ngoằn nghèo, uốn khúc. Xong, với đức tính kiên cường của người Bình Định và cái khí thế cao ngút của đất trời “ba dòng sông chảy, bảy dãy non cao, biển đông sóng vỗ dạt dào, tháp kia làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh”, dòng chảy ấy không bao giờ dứt./.

(Thu Trinh – TTTTXT Du lịch Bình Định)